Chiến lược Nữ doanh nhân: Giữa tuyệt đối và tương đối

Nữ doanh nhân: Giữa tuyệt đối và tương đối

6
Lần thứ 3, Tạp chí Forbes Asia công bố danh sách 50 nữ doanh nhân được tạp chí này coi là có quyền lực nhất ở khu vực Châu Á. Trong danh sách này có đại diện của 13 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Trung Quốc và Hồng Kong có 16, Ấn Độ có 7, Singapore và Australia (mỗi nước có 4), Hàn Quốc và VN mỗi nước có 3, Philipinne, Nhật Bản và Thái Lan mỗi nước có 2, Đài Loan có 2, Malaysia và New Zealand mỗi nước có 1.

(Ảnh minh họa)
Ba nữ doanh nhân của VN hiện diện trong bảng danh sách này là bà Mai Kiều Liên – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), bà Nguyễn Thị Mai Thanh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) và bà Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank).
So sánh tương đối
Những tiêu chí chính được tạp chí này sử dụng để xếp thứ bậc trong bản danh sách này là doanh thu của Cty (ít khi dưới 100 triệu USD mà thường là nhiều tỉ USD), vị thế của nữ doanh nhân ấy trong Cty và mức độ can dự của doanh nhân trong điều hành và quản lý Cty.
Mọi so sánh có thể khập khiễng như thế nào thì dùng thứ bậc trong bảng xếp hạng để so sánh cũng có thể khập khiễng như thế bởi đơn giản không thể có được mẫu số chung chính xác nhất để so sánh mà chỉ có thể tương đối. Những nữ doanh nhân xuất sắc nhất này của khu vực Châu Á có thể có quyền uy tuyệt đối trong DN của họ và có ảnh hưởng to lớn đối với nền kinh tế và xã hội sở tại nhưng cũng không thể có được quyền uy ở mức độ tương tự đối với nền kinh tế và xã hội khác. Tính tương đối ấy cần đặc biệt được lưu ý thoả đáng và đánh giá đúng mức khi so sánh những doanh nhân này với nhau.
Doanh thu là một trong những chỉ số quan trọng về hoạt động của DN nhưng lợi nhuận mới quyết định số phận của DN. Doanh thu không thôi chưa thể đủ để từ đó đánh giá rằng DN đó phát đạt. Mức độ doanh thu cũng lại bao hàm nhiều kết luận rất khác nhau vì ngành kinh doanh khác nhau và môi trường kinh doanh khác nhau. Cùng mức độ giá trị tuyệt đối về doanh thu nhưng giá trị thật và tầm quan trọng của nó ở ngành kinh doanh này khác ngành kinh doanh khác, ở quốc gia này khác so với ở quốc gia khác.
Quyền lực và vị thế
Bảng danh sách này của Forbes Asia phác hoạ một bức tranh khái quát về phụ nữ trong thế giới kinh doanh, định lượng khả năng và tiềm năng kinh doanh của họ.
Vị thế của doanh nhân trong DN là một trong những thước đo về mức độ quyền lực của doanh nhân đó trong DN ấy. Đây là tiêu chí quyết định nhất trong 3 tiêu chí của Forbes trong việc lập danh sách này. Tiêu chí thứ ba là mức độ can dự của doanh nhân vào công việc điều hành và quản lý DN trong thực chất chỉ là một hệ lụỵ của tiêu chí này. Vị thế của doanh nhân trong DN cho thấy mức độ quyền lực thực sự của doanh nhân trong DN. DN có thể được tổ chức theo nhiều hình thức pháp lý khác nhau nhưng thông thường quyền lực cao nhất thuộc về chủ sở hữu, giám đốc điều hành hay nhà quản trị DN. Trong danh sách nói trên của Forbes có không ít nữ doanh nhân là thành viên của gia đình sở hữu DN. Những cá nhân khác mới là giám đốc điều hành hay nhà quản trị DN bởi các Cty mà họ có vị thế ấy ở đó thuộc về nhiều chủ sở hữu, chẳng hạn như là Cty cổ phần. Cũng từ đó mà có thể thấy các nữ doanh nhân mà tạp chí Forbes Asia vinh danh lần này can dự trực tiếp ở mức độ rất khác nhau vào thực tiễn điều hành, vận hành và quản lý DN.
Dù chỉ tương đối vậy, bảng danh sách này của Forbes Asia cũng có tác dụng của nó. Nó phác hoạ một bức tranh khái quát về phụ nữ trong thế giới kinh doanh, định lượng khả năng và tiềm năng kinh doanh của họ và định tính ảnh hưởng của họ đối với nền kinh tế và xã hội sở tại. Nếu dùng chính những tiêu chí và bảng danh sách của Forbes cho các khu vực trên thế giới thì có thể thấy những nữ doanh nhân ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương ít nhất thì cũng ngang hàng với đồng nghiệp nữ của họ ở các khu vực khác trên thế giới về phương diện quyền uy trong DN và ảnh hưởng trong xã hội.

Theo dddn