Đào tạo Làm thế nào để giảm bớt nỗi lo?

Làm thế nào để giảm bớt nỗi lo?

33
Lo lắng thường xuyên sẽ hủy hoại sức khỏe của bạn. Nó khiến bạn bạn phải thức trắng nhiều đêm và căng thẳng thần kinh buổi ban ngày. Bạn không thích cảnh này chút nào phải không? Và bạn đang tự hỏi vì sao dừng lo lắng lại khó khăn đến thế?

Ảnh minh họa

Với những người mắc chứng lo lắng kinh niên, sự phấp phỏng trong tâm trí mang cả hai ý nghĩa tiêu cực lẫn tích cực.

Về mặt tiêu cực, bạn có thể nghĩ rằng việc lo lắng triền miên thật có hại, nó sẽ khiến bạn điên đầu và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. 

Về mặt tích cực, bạn nghĩ rằng việc lo lắng là cần thiết để tránh những rắc rối xảy đến trong tương lai, chuẩn bị cho tình huống xấu nhất và có thể đề ra giải pháp cho vấn đề.

Chính vì sự mâu thuẫn này mà dù chúng ta rất khó chịu với cảm giác phấp phỏng thường trực nhưng lại không thể quẳng gánh lo đi. Sự lo lắng đang đóng một vai trò quan trọng đối với bạn – chuẩn bị và giải quyết vấn đề. 

Mỗi khi bạn lo lắng về một vấn đề nào đó, hãy xem xét thử đây có phải là những gì bạn tự nhủ với chính mình hay không?

Mình không muốn bỏ sót điều gì!
Suy nghĩ về nó thêm một tí, có thể mình sẽ tìm ra giải pháp!
Mình không muốn bị một vố bất ngờ!
Người sống là người có trách nhiệm, mình phải lo nghĩ về vấn đề này!
Thế nào? Giờ bạn đã hình dung rõ tầm quan trọng của nỗi lo trong đời sống của bạn chưa. Bên cạnh việc phòng ngừa rủi ro và giải quyết vấn đề, đối với bạn, điều này còn thể hiện một giá trị sống – sự trưởng thành và tinh thần trách nhiệm. Chắc hẳn bạn đã từng nghe bố mẹ mình nói:”Đến bao giờ mày mới biết lo đây hả con?” Và thế là bạn vô tình đánh đồng sự trưởng thành với nỗi lo canh cánh trong lòng.

Tuy sự lo lắng ở một chừng mực nào đó có thể giúp cuộc sống của bạn suôn sẻ hơn nhờ tránh được những rắc rối không đáng có. Nhưng nếu đi quá xa, sự lo lắng có thể biến thành ám ảnh phủ kín tâm trí bạn, khiến bạn càng gặp nhiều rắc rối hơn và nhất là phải sống trong stress từ năm này qua năm khác.

Dẹp bỏ nỗi lo không phải là chuyện dễ, khó có thể thành công trong một sớm một chiều. Sở dĩ các lời khuyên tỏ ra kém hiệu quả vì chúng chỉ tập trung vào việc đối đầu trực tiếp với nỗi lo chứ không tìm hiểu về cơ chế của não bộ trong quá trình này. Để khắc phục tình hình, bạn phải có hướng tiếp cận hoàn toàn mới với vấn đề.

1. Cho phép mình lo lắng trong một khoảng thời gian:
Nếu bạn vừa mới gặp chuyện xui xẻo và bây giờ kêu bạn đừng lo nghĩ nữa thì chả khác gì châm dầu vào lửa. Đó là phản ứng tự nhiên của con người, đi ngược lại cảm xúc của mình chỉ khiến cảm giác lo lắng càng thêm trầm trọng mà thôi.

Khi bạn tự nhủ mình đừng nghĩ đến điều gì đó, thì ngay lúc đó, bạn đang nghĩ về nó.

Thế nên thay vì tập trung vào việc đấu tranh tư tưởng, hãy cho phép mình được lo lắng, nhưng chỉ trong chừng mực nhất định. Cách tốt nhất là đặt ra giới hạn thời gian. Trong ngày, bạn hãy tự đặt ra một khoảng thời gian mà bạn có thể tha hồ lo nghĩ về bất cứ điều gì bạn muốn. Lúc còn lại trong ngày, bạn tuyệt nhiên đừng nghĩ tới. Điều này nghe có vẻ hơi phi lý, nhưng thực tế, việc bạn lo lắng cả ngày xuất phát một phần từ việc bạn không đặt ra luật lệ cụ thể cho bản thân. Nỗi lo cũng cần có thời gian để nảy nở trong đầu bạn, trước kia mỗi khi chúng ập đến, bạn cứ mặc tình để chúng lớn dần trong đầu, bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu. Nhưng bây giờ, khi đã có kế hoạch hành động, bạn có thể triệt tiêu ngay những ý nghĩ mới manh nha để chúng không biến thành nỗi lo lớn. Đến đây, có thể bạn sẽ hỏi nếu dễ dàng vậy thì chúng ta đâu cần lo lắng về điều gì nữa, chỉ đơn gian gạt bỏ chúng đi là xong? Tuy nhiên, như vừa nói, nỗi lo đóng vai trò nhất định trong cuộc sống mà bạn không thể phủ nhận, việc gạt bỏ chúng chỉ là kế hoãn binh nhằm tránh gây ảnh hưởng xấu đến đời sống, nếu áp dụng quá đà, tâm trí bạn sẽ như quả bóng bị bơm căng và sẵn sàng nổ tung. Vì tuy làm ngơ nhưng bạn vẫn biết còn hàng tá vấn đề chất chồng mà bạn cần “lo lắng”.

2. Hãy để tiềm thức làm nhiệm vụ của mình:
Bạn có biết hơn 85% mối lo của bạn không thành hiện thực? Hầu hết các nỗi lo đều là sản phẩm của trí tưởng tượng, chúng không có cơ sở thực tế! Não bộ của chúng ta được tạo hóa thiết kế để khuếch đại mối lo lên gấp nhiều lần, vì khi làm vậy, bạn sẽ đảm bảo cơ hội sống còn trong tự nhiên, nhưng ở xã hội hiện đại, phản ứng này không còn phù hợp nữa. Đã bao lần bạn đang lo sốt vó chuyện gì đó, rồi đột nhiên có một vấn đề lớn hơn xen ngang, bạn phải gác bỏ chuyện cũ để lo cho chuyện mới. Rồi đến lúc nào đó nhìn lại vấn đề mình từng nhiều đêm lo nghĩ, bạn phát hiện nó chẳng ghê gớm đến mức đó.

Khi bị cảm xúc nhất thời dẫn dắt, bạn sẽ khuếch đại vấn đề lên gấp nhiều lần. Để có cái nhìn sáng suốt hơn, bạn cần cho đầu óc mình một khoảng lặng để tiềm thức sắp xếp lại các thông tin mà nó nhận được và điều chỉnh các ước lượng ban đầu. Các nhà khoa học cũng thường khuyên rằng khi phải lựa chọn, quyết định điều gì đó, hãy tổng hợp tất cả dữ kiện cần thiết sau đó đi ngủ một giấc, sáng hôm sau, câu trả lời có thể xuất hiện ngay trong đầu bạn!

Tóm lại, hãy xem nỗi lo như một tên thích làm ra vẻ quan trọng, nhiệm vụ của bạn là đưa gã kênh kiệu này về đúng vị trí của hắn!

3. Ghi chú lại những vấn đề:
Sở dĩ bạn nghĩ tới vấn đề của mình cả ngày vì đầu bạn là nơi lưu trữ chúng. Bạn sợ quên sót những thứ cần giải quyết nên phải cố ghi nhớ. Hãy xóa chúng khỏi đầu bạn! Luôn đem theo bên mình một quyển sổ, khi gặp phải vấn đề nào đó mà bạn chưa nghĩ ra giải pháp, hãy ghi chú lại và tạm quên chúng đi nếu hoàn cảnh hiện tại không cho phép. Cách làm này tuy đơn giản nhưng rất hiệu quả vì bạn có thể yên tâm làm việc khác mà không có cảm giác còn thứ gì lởn vởn trong đầu.

Trì hoãn nỗi lo là biện pháp giảm stress hiệu quả nhất vì thông qua đó bạn sẽ bỏ dần thói quen nôn nóng giải quyết vấn đề. Đôi lúc hành động tốt nhất chính là “Không làm gì cả”. Một khi đã quen với việc trì hoãn nỗi âu lo, bạn sẽ nhận ra mình có thể giải quyết vấn đề nhẹ nhàng hơn rất nhiều.