Chiến lược Giá dầu lửa giảm: Đâu là chân dốc ?

Giá dầu lửa giảm: Đâu là chân dốc ?

2
Kể từ tháng 6 năm nay trở lại đây, giá dầu lửa trên thị trường thế giới đã giảm 30% và hiện đã ở dưới mức 80 USD/thùng.

Ảnh minh họa

Từ trước cho tới nay, mức giá 80 USD/thùng này được coi là một ranh giới đặc biệt vì đó là mức mà Ả rập Xê út trong tư cách là nước khai thác nhiều nhất và xuất khẩu nhiều dầu lửa nhất thế giới không bị lỗ vì khai thác và xuất khẩu dầu lửa. Đối với những nước khai thác và xuất khẩu dầu lửa khác, ranh giới này rất khác nhau.
Kết quả tất yếu
Chưa khi nào từ trước tới nay giá dầu lửa giảm nhiều đến thế trong thời gian ngắn như vậy. Và sự trượt dốc của giá dầu hiện chưa thấy có biểu hiện gì là sẽ có thể và sớm chấm dứt. Cho nên bên cạnh câu hỏi về nguyên do khiến giá dầu lửa biến động đến thế còn đồng thời có cả câu hỏi là đâu là chân của cái dốc ấy hay là giá dầu lửa giảm đến mức nào nữa thì mới thôi.
Câu trả lời cho câu hỏi đầu xem ra dễ tìm hơn câu trả lời cho câu hỏi thứ hai. Trên thị trường dầu lửa thế giới, giá dầu giảm khi cung vượt quá cầu và thực trạng hiện tại là như vậy. Phương cách đối phó để ngăn chặn giá dầu lửa giảm trên lý thuyết là điều chỉnh mối quan hệ giữa cung và cầu, giữ cung tăng cầu, giữ cầu giảm cung hoặc giảm cung tăng cầu. Cả ba cách điều tiết quan hệ giữa cung và cầu này hiện đều không thấy được vận dụng trên thị trường nên việc giá dầu lửa giảm nhanh và mạnh là kết quả tất yếu.
Dầu lửa là nhiên liệu và nguyên vật liệu. Kinh tế tăng trưởng chậm, trì trệ hay suy thoái đều làm giảm nhu cầu về dầu lửa trên thị trường. Sử dụng tiết kiệm nguyên vật liệu từ dầu lửa, nhiên liệu và sử dụng những nguồn năng lượng mới cũng gây ra tác động tương tự. Hiện tại có thể thấy hiện tượng đó trên thế giới.
Giá dầu sẽ còn giảm nữa nhưng không nhiều và nhanh như thời gian qua.
Cái mới ở lần này giá dầu lửa giảm là Mỹ đã nổi lên thành nước khai thác dầu lửa và khí đốt mới với phương pháp mới (Fracking) từ đá dầu. Điều này giúp Mỹ vừa tăng khối lượng khai thác dầu lại vừa giảm nhập khẩu dầu từ bên ngoài, có nghĩa là vừa tăng cung lại vừa giảm nhu cầu nhập khẩu. Trong khi đó, Ả rập Xê út vốn chiếm 30% tổng khối lượng dầu lửa được khai thác của tất cả các nước thành viên Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu lửa (OPEC) lại sử dụng chiêu sách vừa không hạn chế khối lượng khai thác và xuất khẩu dầu lửa hàng ngày lại vừa giảm giá xuất khẩu dầu lửa sang thị trường Mỹ. Ả rập Xê út còn cản trở mọi nỗ lực để OPEC có sự đồng thuận quan điểm và phối hợp hành động trong OPEC nhằm chặn đứng sự trượt dốc của giá dầu lửa trên thị trường. Cũng chính vì thế mà hội nghị cấp cao của OPEC sắp tới có tầm quan trọng định mệnh đối với OPEC bởi sẽ cho thấy ở đó OPEC còn có khả năng nhất trí đối sách chung nữa hay không và có khắc phục được tình trạng đồng sàng dị mộng hiện tại hay không.
Ai lợi, ai hại ?
Giá dầu lửa giảm có lợi cho những nước phải nhập khẩu dầu lửa và sử dụng dầu lửa nhiều, nhưng rất tai hại đối với những nước mà công nghiệp khai thác dầu lửa và xuất khẩu dầu lửa là nguồn thu nhập chính hoặc rất quan trọng như các nước dầu lửa ở Trung Đông và vùng Vịnh, Nga, Mexico hay Venezuela. Các nước này vì thế phải nỗ lực hợp tác với OPEC, trong OPEC hoặc hợp tác với nhau để đối phó.
Cũng có quan điểm cho rằng giá dầu giảm như trong thời gian qua là do Mỹ và Ả rập Xê út mưu đồ liên minh nhằm làm suy yếu Nga, Venezuela và Iran. Mọi khả năng đều không thể bị loại trừ nhưng nhìn nhận một cách tỉnh táo thì sẽ thấy không phải như thế bởi giá dầu giảm cũng có hại đối với cả Mỹ lẫn Ả rập Xê út. Vì thế, giá dầu sẽ còn giảm nữa nhưng không nhiều và nhanh như thời gian qua. Giá dầu trượt dốc chưa tới chân dốc, nhưng chân dốc ấy, ít nhất thì cũng ở lần này, hiện cũng không còn cách bao xa nữa.

Theo dddn