Chiến lược Điều gì khiến nước Mỹ trở thành hình mẫu lý tưởng về...

Điều gì khiến nước Mỹ trở thành hình mẫu lý tưởng về quốc gia khai phá, sáng tạo của thế giới?

1
Có rất nhiều nguyên nhân có thể kể đến như vị trí địa lý, thể chế chính trị, khoa học, chủ nghĩa tiêu dùng… Nhưng điều quan trọng nhất phải kể đến đó là văn hóa làm việc.


Ảnh minh họa

Bạn có thấy khó hiểu khi có người tiếp tục làm việc trối chết dù đã kiếm đủ tiền để sống sung túc đến cuối đời.

Đây là cách người Mỹ làm việc từ thưở khai sinh của nền văn hóa. Khi mà tổ tiên họ đến châu Mỹ và khám phá ra một vùng đất vô cùng rộng lớn chưa được khai phá, suy nghĩ đầu tiên của họ không phải là “Uống tí trà nào” mà là “Hãy làm việc thôi”.

Có cả một Tân Thế giới để kiến tạo và thế giới đó không tự nhiên mà thành. Các thành phố cần được dựng lên. Phía Tây cần được mở rộng. Những nguyên lý cơ bản của một nền chính trị táo bạo cần được đưa vào thử nghiệm. Hồi đó không có thời gian để dông dài và rõ ràng là đến bây giờ chúng ta vẫn nghĩ như vậy.

Người Mỹ làm việc nhiều giờ hơn người dân của bất kỳ nền văn hóa nào khác. Người Mỹ tôn vinh lao động và biến những doanh nhân thành đạt thành những người nổi tiếng. Donald Trump và Bill Gates là những ngôi sao.

Người Mỹ hiếm khi dễ dàng chấp nhận nghỉ hưu và họ có niềm tin mạnh mẽ rằng khả năng của bạn được đánh giá bằng thành tích gần nhất. Một tỷ phú vẫn làm việc 60 giờ một tuần vì ông ta cần liên tục khẳng định mình là ai. Một giám đốc vừa được thăng chức liền nâng cao cường độ làm việc của mình vì cô ta đã nhìn thấy cơ hội được thăng chức tiếp theo.

Đạo đức nghề nghiệp của họ rất cao vì trong tiềm thức, họ xem công việc ngang với việc họ là ai và họ tin rằng nếu làm việc chăm chỉ và nâng cao chỗ đứng trong nghề nghiệp của mình và sẽ trở thành những người tốt hơn. Cần nhớ rằng, mật mã của sức khỏe là sự vận động, điều này cũng mở rộng sang cả sức khỏe trong công việc.

Dù chỉ làm một công việc trong suốt 30 năm, họ vẫn có thể hạnh phúc nếu công việc đó luôn mang lại những thách thức mới. Bằng không, họ sẽ nghĩ rằng mình đang “đi vào lối mòn” hoặc “giậm chân tại chỗ”. Có mấy ai hứng thú làm mãi một công việc trong dây chuyền sản xuất hay làm một nhân viên công chức suốt đời.

Nhiều nền văn hóa khác có quan điểm khác về tiền bạc và chức năng của nó. Ở mức độ nào đó, nếu một người kiếm được một số tiền lớn trong các nền văn hóa này, anh ta hoàn toàn có thể vui thú điền viên, bỏ lại thế giới thương mại sau lưng. Tất nhiên, trong nền văn hóa Mỹ, họ tin rằng mình được đánh giá bằng thành quả cuối cùng và kể cả khi đã kiếm được hàng tỷ đô la thì họ vẫn muốn kiếm thêm hàng tỷ đô la nữa để chứng minh tài năng của bản thân.

Ở Mỹ, những giấc mơ là không có giới hạn, người Mỹ có thể hướng đến cuộc sống giàu sang dù cho chúng ta có xuất thân nghèo khó đến thế nào.

Ý thức về “chúng ta là ai” xuất phát từ công việc liên kết chặt chẽ với “bằng chứng” được tạo ra bởi tiền bạc mà họ làm ra. Họ nghi ngờ, thậm chí khinh miệt, những đồng tiền có được mà không do cần cù lao động.

Ví dụ, họ không mấy coi trọng những người đột nhiên trở nên giàu có nhờ trúng xổ số. Người Mỹ cho rằng đó không phải là tiền “thực” vì đồng tiền đó không được làm ra. Một người trúng xổ số không chứng minh được điều gì qua việc trúng xổ số, trừ việc anh ta hay cô ta rất may mắn.

Dường như những người trúng số tự bản thân họ cũng có cùng suy nghĩ nhạy cảm này. Khối tài sản trên trời rơi xuống này khiến họ trở thành kẻ dị thường: họ không thật sự thuộc về tầng lớp giàu có, bởi vì họ không hề chủ động gia nhập thế giới đó nhưng họ cũng không còn phù hợp với những người cùng địa vị, bởi vì tiền của họ đã tạo ra khoảng cách.

Có thể nói với văn hóa Mỹ hạnh phúc của một đời người gắn chặt với công việc và tiền bạc.

Theo Trí Thức Trẻ