Kiến thức quản trị Đẩy nhân viên lên làm quản lý, cách giúp chủ doanh nghiệp...

Đẩy nhân viên lên làm quản lý, cách giúp chủ doanh nghiệp vừa nhàn, vừa giàu

20
Đưa nhân viên giỏi lên làm quản lý sẽ giúp các ông chủ có thêm thời gian xem xét số liệu, định hướng trong công việc. Đồng thời, nhân viên trong công ty cũng có động lực để làm việc tốt hơn.


Ảnh minh họa

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết “Tại sao tôi muốn bạn làm quản lý” của chuyên gia tư vấn và đào tạo bán hàng Đỗ Xuân Tùng. Mời độc giả đón đọc.

Trước hết, phải khẳng định rằng, tôi đưa một ai đó lên làm quản lý không phải vì tôi yêu quý họ như một người bạn thân hay người yêu. Có những người tôi rất quý nhưng không thể làm cùng và ngược lại có những người tôi chẳng ưa nhưng lại rất muốn hợp tác cùng họ. Tôi dám nói thẳng điều đó trước mặt người ta. Do vậy hãy bỏ qua lý do đạo đức hay tình cảm kiểu “người với người sống để yêu nhau” sang một bên, và hãy nghĩ thực dụng thế này:

1. Vì bạn sẽ giúp tôi điều khiển công ty tốt hơn mà tôi đỡ phải nhúng tay vào

Có quản lý, tôi không phải trực tiếp làm việc với nhân viên và sẽ rảnh tay lo việc đọc số liệu, đánh giá và đưa ra định hướng cho cả công ty. Ngoài ra, có quản lý thì tôi có uy hơn, vì giờ có người phó làm cho mình, cái đó cũng làm gia tăng doanh số.

Người quản lý đó có thể non hơn tôi nhưng họ trẻ hơn tôi, giúp tôi có phản biện phù hợp khi ra quyết định chưa chuẩn. Còn lúc tôi về già hẳn, thì hiển nhiên quản lý trẻ hơn sẽ tư duy tốt và khoẻ hơn mình. Đó cũng là điều lý giải cho câu nói khá khó hiểu của chúng tôi “Quản lý 2000 người dễ hơn 200, càng dễ hơn 20 người!”.

2. Vì bạn sẽ là minh chứng của việc tôi đào tạo thành công

Bạn lên làm quản lý thành công sẽ giúp các anh/em khác trong công ty noi theo để làm tương tự và điều này cũng giúp công ty thành công. Người ta nói nhiều về văn hoá của một doanh nghiệp và các giá trị cốt lõi của nó cũng như tầm nhìn lãnh đạo. Tuy nhiên, không có gì rõ ràng và rành mạch hơn là minh chứng bằng một tấm gương thành công của nhân viên.

Các nhân viên mới sẽ nhìn vào đó mà tự tin trong phấn đấu. Nhiều doanh nghiệp SME thiếu mỗi điều đó và làm nhân viên không muốn vươn lên.

3. Bạn sẽ giàu nhanh hơn

Lên làm quản lý, bạn sẽ giàu nhanh hơn và hiển nhiên bạn sẽ muốn làm tốt hơn. Khi đó, do cơ chế lương của tôi buộc bạn chỉ có thể giàu hơn nếu làm công ty phát triển tốt nên cuối cùng, chính ông chủ như tôi lại là người có lợi khi bạn làm giàu.

Tôi có một anh học viên là chủ một chuỗi cửa hàng vàng bạc đá quý. Anh này có câu nói rất hay mà tôi thấy chúng ta cần học hỏi. Đó là “Em muốn nhân viên của em tham hơn, giàu hơn, vì như thế họ mới làm công ty giàu lên!”.

4. Bạn cư xử với những người trong gia đình và trong xã hội hiệu quả hơn

Làm quản lý, cách cư xử của bạn sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực. Khi đó, bạn sẽ dần thích nghi, cảm thấy thú vị và vui hơn với việc làm quản lý và từ đó, nỗ lực nhiều hơn. Phần nào đó bạn thấy biết ơn những gì mình được học và muốn “khoe” điều đó với nhân viên. Quản lý muốn động viên nhân viên thì hiệu quả nhất là trở thành tấm gương cho họ như ở phần trên tôi đã nói.

Trong công ty liên doanh cũ, tôi nhớ mãi hình ảnh một ông giám đốc người Malaysia rất tự hào nói với anh em trong công ty rằng từ đời ông nội, bố và chính ông giám đốc đã làm việc cho công ty này và thấy rất hài lòng. Vị giám đốc quả quyết mình sẽ tiếp tục làm cho tới khi nào về hưu.

Hãy cố gắng vươn lên vị trí cao hơn bạn ạ! Chả có ai thua trong trận này cả, chỉ có Win – Win!

Theo Nhịp sống kinh tế